Tôi đùa giỡn, tôi tập tành, tôi tưởng tượng, tôi..., tôi...,..., làm để sống, không sống để làm.

Cám ơn rất nhiều các anh chị và các bạn đã ghé trang blog của cuoocjsoongs.

CS ưu tiên công việc ở cơ quan và gia đình nên thỉnh thoảng mới vô đây, mong mọi người thứ lỗi cho sự chậm trễ của CS nghe.



Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

CHA MẸ




CHA MẸ
Là người yêu thương ta nhất
Lo lắng nhất khi ta ra đi
Mong ngóng nhất khi biết ta sắp trở về
Tự hào nhất khi ta thành công
Day dứt nhất khi ta thất bại
Bao dung nhất khi ta lỗi lầm

Trong mắt con cha mẹ là hiện thân của đức tối cao từ bi
Con nhìn vào, con lắng nghe,...và con trưởng thành hơn lên
Mất người con thấy hẫng hụt…
 Dường như con đang bơ vơ lạc lõng…
không còn nơi chốn để trở về...














Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

TÔI LÀM MỚI TÔI




     Những ngày cuối năm bệnh ít. Nhìn dãy ghế chờ trống trơn tôi nói với đồng nghiệp: “Nì, chị có nên cắt tóc không?”, “Nên, cắt đi chị”, “Chị có nên uốn không?”, “Thôi, em thấy chị để tóc ri đẹp rồi, hợp mà trẻ nữa, đừng uốn lớn lắm”, tôi bông đùa: “Trời, té ra lâu ni tui đang nhỏ chưa lớn, hì hì…”.

     Nghe mọi người giới thiệu Hiệp Thành từ lâu, bước vào cửa tiệm tôi hỏi ngay: “Ông chủ mô rồi?”, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào tôi, một em trả lời: “Dạ ông chủ đi công việc về chừ, Dì làm chi rứa?”, “Tui chỉ muốn gặp ông chủ vì tui nghe người ta giới thiệu ông chủ ở đây cắt đẹp”, em ấy chỉ một cái ghế đang trống “Mời Dì ngồi chờ tí ông chủ về chừ”, tôi nói ngay “Tui qua tiệm bên cạnh coi áo quần, khi mô chủ về mấy em qua báo tui”.

     Ông chủ tiệm tóc, một thanh niên đẹp trai, cao nhất trong tiệm, trang phục bụi, tóc phớt đỏ trên đỉnh, nhìn tôi chăm chú: “Cô làm chi?”, “Uốn”, “Thích để dài ri hay ngắn lên?”, “Ngắn”, “Cô muốn uốn kiểu chi?”, “Tui giao phó cái đầu của tui cho anh, anh thấy kiểu chi hợp với khuôn mặt của tui, làm cho tui đẹp lên, trẻ ra thì anh cứ làm”. Ông chủ lại nhìn tôi trong gương chăm chú, liên tục hất tóc tôi lên, rồi luồn tay nắm tóc tôi giật xuống, khuôn mặt căng thẳng: “Cô sợ nhất là chi?”, “Sợ nhất?”, “Ví dụ cô sợ quăn quá, sợ ngắn quá chẳng hạn”, “Đừng quăn lắm, gợn sóng thôi, còn lại anh cứ làm thoải mái, miễn tui đẹp hơn, trẻ ra là được”, “Theo em cô nên nhuộm, vì uốn mà không nhuộm già lắm”, “Cứ nhuộm miễn không được đỏ quá cũng không vàng quá, chỉ nên phớt chút hạt dẻ nhuộm mà như không nhuộm, ai tinh mắt nhìn kỹ mới thấy ánh nhuộm, rứa là được”.

     Sau năm tiếng gội, cắt, bôi thuốc, chờ, gội, sấy, bôi thuốc, chờ, gội, sấy, cắt tỉa, tôi nhìn mình trong gương mà tim gan phèo phổi thất vọng não nề: “Răng đỏ ri em?”, “Có đỏ chi mô, màu ni mới trẻ, màu mô-đen năm ni rất hợp với cô mà còn làm nổi nước da của cô lên nữa, cô yên tâm đi, con mà chọn màu cho cô thì chỉ có khen thôi”. Tôi tự nhủ thầm “Từ nay mình biết mình rồi, chỉ có kiểu tóc thẳng hất ra sau mới hợp, vừa đẹp vừa sang vừa đằm thắm vừa hiền, mờ thôi, xấu mặt mới lâu chớ xấu đầu mấy xí”. Tôi thấy thương cho mấy em trong tiệm, có lẽ biết tôi không vui lắm (hay đôi khi chính mấy em cũng cảm nhận như tôi rằng trông tệ hơn khi chưa uốn nhuộm?), các em đồng thanh xuýt xoa “đẹp ghê”, “trẻ ghê”, “trẻ hơn phải mười tuổi”,… Tôi cũng phụ họa theo bông đùa: “Nì, tui thấy tiệm ni cả thầy lẫn trò ai cũng trẻ, đẹp trai, vui tính, làm thì tận tình cẩn thận, chắc mấy em trẻ đẹp kết tiệm ni lắm”, “Có mô Dì ơi, toàn người lớn tuổi như Dì vô hết, mong mấy em trẻ đẹp hơn chi mà mãi không thấy buồn ơi là buồn”, “Xạo, hồi chiều tui thấy toàn mấy em trẻ đẹp”, “Dì ơi, của hiếm lâu lâu mới kéo tới một lần đó, tụi con buồn hơn chi, Dì có con cháu trẻ đẹp không giới thiệu tới cho tụi con làm với”.

     Về nhà hai đứa con mới thấy tôi đã thốt lên: “Trời, sốc nặng, mẹ uốn chi rứa, còn nhuộm nữa, mẹ bữa ni khác quá, để như cũ đẹp hơn”. Con gái thì bảo: “Răng mẹ không nói con đi theo để con góp ý, chưa khi mô mẹ nhuộm màu ni thành ra thấy lạ mà già, mẹ để như cũ đẹp hơn”. Tôi trấn an con gái: “Kệ mà con, xấu mặt mới lo chớ xấu đầu mấy xí, ngày mô mẹ cũng gội khoảng hai tháng về lại cũ chừ, mà mẹ nghĩ cũng nên thay đổi khác đi cho vui, không thích lắm thì vài tháng sau lại để cũ, tóc mờ con, thay đổi mấy hồi, có thay đổi mới biết mình hợp cái chi hơn”. Con trai thì cười: “Mới vô nhà con tưởng Dì Y. lên chơi, té ra là mẹ, sốc luôn”. Tôi hỏi con trai: “Theo con thấy mẹ có kỳ lắm không?”, “không kỳ, cũng được, có điều mẹ nhuộm màu đỏ quá”, “không kỳ là được rồi, tóc nhuộm mà con, mẹ gội riết từ đây tới tết tóc về cũ liền, miễn đừng choãi, đừng kỳ dị, con thấy được rứa là được, mẹ thích thay đổi”.

     Sáng hôm sau vừa bước vào khoa mọi người đã đồng thanh thốt lên: “Trời, có người mới, lạ quá, rửa đi”, tôi hỏi: “Thấy được không?”, “Được, đẹp mà trẻ”, “Thiệt không? Tại răng hai đứa con chị kêu sốc hè?”, “Có lẽ do hai đứa con chị chưa khi mô thấy chị thay đổi như ri nên kêu sốc chớ tụi em thấy chị đẹp hơn, trẻ hơn, sang hơn hẳn”.

     Vừa bước vào phòng giao ban viện mọi người đã đồng thanh: “Trời, Thanh bữa ni lạ quá”. Đồng nghiệp ngồi cạnh bên trái nói vào tai tôi: “Giống diễn viên Hàn Quốc”, đồng nghiệp ngồi cạnh bên phải thì hỏi: “Hai đứa con nói chi không?”, “Hai đứa nói sốc”, “V. cũng sốc”, “V. thấy để tóc kiểu ni có được không?”, “V. thích kiểu cũ hơn”.

     Ngày của cuối năm bệnh đến khám ít, có lẽ vì vậy mà tóc của tôi trở thành một trong những đề tài để chị em sốt nóng quan tâm, suốt buổi sáng tôi luôn phải trả lời “Làm ở Hiệp Thành”, “Giá…”,…

     Tin tôi có tóc mới lan đến quán cà-phê đối diện cổng cơ quan, nơi chủ quán là cô bạn thân từ thời học lớp sáu. Điện thoại tôi rung lên: “Thanh, qua uống cà-phê, tau nghe noái mi mới uốn tóc, qua đây ta koai”. Vừa bước vào quán con bạn đã trầm trồ: “Thanh ơi, đẹp lắm, thấy mi vừa đẹp vừa trẻ vừa sang, để như cũ cũng đẹp mà quê lắm, đời tụi mình còn mấy xí, con lớn rồi, vô đại học hết rồi, mi phải thay đổi, phải đẹp lên, chừ là lúc mình phải sống cho mình,…,…”. Tôi vừa cười vừa gật gật đầu theo từng câu nói của bạn, trong lòng chỉ muốn khóc vì cảm giác ấm áp hạnh phúc khi bên mình có những người bạn luôn mong muốn điều tốt cho mình. Tôi nói với bạn: “Răng hai đứa con tau kêu sốc hè!”, “Có lẽ vì hai đứa chưa khi mô thấy mi thay đổi, Thanh ơi đẹp lắm, đưa điện thoại đây tau chụp vài cái cho mi koai”. Tôi nhìn hình mình trong điện thoại, cũng được đó chớ.

     Rời quán cà-phê tôi gọi điện cho chị bạn, người mà tôi rất yêu mến và tin tưởng: “Chị, em có đầu mới”, “Rứa hở, nhớ đừng có uốn quăn nghe”, “Em uốn rồi, không quăn lắm chỉ lượn sóng, nhuộm nữa, tí em đưa hình lên phây chị koai hí”, “Ừ, ê nì, tối ni mình đi ăn nem Hạnh nghe”, “Đúng rồi, nem Hạnh, em trình diện đầu mới luôn”.

     Sau bao ngày mưa lạnh dầm dề hôm nay trời khô ráo nắng đẹp, có lẽ vì vậy mà nem Hạnh tối nay đông nghịt. Vừa thấy tôi chị bạn đã nói: “Đẹp lắm em”, cô em ghế đối diện thì đưa ngón tay cái lên: "Không xấu hơn", tôi cũng đùa: "Cám ơn hí", cô em ngồi đầu bàn thì nhìn tôi nghiêm trang: “Cô Thanh, tối ni cô là người đẹp nhất”, tôi cũng nghiêm trang không kém: “Cô cám ơn Thư nghe”, rồi chúng tôi cùng cười và tất thảy dồn tâm trí vào dĩa nem nướng nóng hổi đang bốc mùi thơm phức. Trong lòng tôi thầm nhủ “Còn hai bà chị, hai đứa em, hai mợ dâu nữa, không biết sẽ được nghe khen hay chê đây?”.

     Tôi yêu và cám ơn rất nhiều những người quanh tôi, những người luôn mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. Riêng tôi, tôi biết mình có ba cái: đôi mắt, giọng nói, nụ cười, những cái khác đều chốc đến chốc đi, kể cả tôi đang hiện diện trên thế gian này.

Tôi mơ màng nghĩ đến cái thời khắc….tôi….đi…….