Tôi đùa giỡn, tôi tập tành, tôi tưởng tượng, tôi..., tôi...,..., làm để sống, không sống để làm.

Cám ơn rất nhiều các anh chị và các bạn đã ghé trang blog của cuoocjsoongs.

CS ưu tiên công việc ở cơ quan và gia đình nên thỉnh thoảng mới vô đây, mong mọi người thứ lỗi cho sự chậm trễ của CS nghe.



Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

CHA MẸ




CHA MẸ
Là người yêu thương ta nhất
Lo lắng nhất khi ta ra đi
Mong ngóng nhất khi biết ta sắp trở về
Tự hào nhất khi ta thành công
Day dứt nhất khi ta thất bại
Bao dung nhất khi ta lỗi lầm

Trong mắt con cha mẹ là hiện thân của đức tối cao từ bi
Con nhìn vào, con lắng nghe,...và con trưởng thành hơn lên
Mất người con thấy hẫng hụt…
 Dường như con đang bơ vơ lạc lõng…
không còn nơi chốn để trở về...














Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

TÔI LÀM MỚI TÔI




     Những ngày cuối năm bệnh ít. Nhìn dãy ghế chờ trống trơn tôi nói với đồng nghiệp: “Nì, chị có nên cắt tóc không?”, “Nên, cắt đi chị”, “Chị có nên uốn không?”, “Thôi, em thấy chị để tóc ri đẹp rồi, hợp mà trẻ nữa, đừng uốn lớn lắm”, tôi bông đùa: “Trời, té ra lâu ni tui đang nhỏ chưa lớn, hì hì…”.

     Nghe mọi người giới thiệu Hiệp Thành từ lâu, bước vào cửa tiệm tôi hỏi ngay: “Ông chủ mô rồi?”, tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào tôi, một em trả lời: “Dạ ông chủ đi công việc về chừ, Dì làm chi rứa?”, “Tui chỉ muốn gặp ông chủ vì tui nghe người ta giới thiệu ông chủ ở đây cắt đẹp”, em ấy chỉ một cái ghế đang trống “Mời Dì ngồi chờ tí ông chủ về chừ”, tôi nói ngay “Tui qua tiệm bên cạnh coi áo quần, khi mô chủ về mấy em qua báo tui”.

     Ông chủ tiệm tóc, một thanh niên đẹp trai, cao nhất trong tiệm, trang phục bụi, tóc phớt đỏ trên đỉnh, nhìn tôi chăm chú: “Cô làm chi?”, “Uốn”, “Thích để dài ri hay ngắn lên?”, “Ngắn”, “Cô muốn uốn kiểu chi?”, “Tui giao phó cái đầu của tui cho anh, anh thấy kiểu chi hợp với khuôn mặt của tui, làm cho tui đẹp lên, trẻ ra thì anh cứ làm”. Ông chủ lại nhìn tôi trong gương chăm chú, liên tục hất tóc tôi lên, rồi luồn tay nắm tóc tôi giật xuống, khuôn mặt căng thẳng: “Cô sợ nhất là chi?”, “Sợ nhất?”, “Ví dụ cô sợ quăn quá, sợ ngắn quá chẳng hạn”, “Đừng quăn lắm, gợn sóng thôi, còn lại anh cứ làm thoải mái, miễn tui đẹp hơn, trẻ ra là được”, “Theo em cô nên nhuộm, vì uốn mà không nhuộm già lắm”, “Cứ nhuộm miễn không được đỏ quá cũng không vàng quá, chỉ nên phớt chút hạt dẻ nhuộm mà như không nhuộm, ai tinh mắt nhìn kỹ mới thấy ánh nhuộm, rứa là được”.

     Sau năm tiếng gội, cắt, bôi thuốc, chờ, gội, sấy, bôi thuốc, chờ, gội, sấy, cắt tỉa, tôi nhìn mình trong gương mà tim gan phèo phổi thất vọng não nề: “Răng đỏ ri em?”, “Có đỏ chi mô, màu ni mới trẻ, màu mô-đen năm ni rất hợp với cô mà còn làm nổi nước da của cô lên nữa, cô yên tâm đi, con mà chọn màu cho cô thì chỉ có khen thôi”. Tôi tự nhủ thầm “Từ nay mình biết mình rồi, chỉ có kiểu tóc thẳng hất ra sau mới hợp, vừa đẹp vừa sang vừa đằm thắm vừa hiền, mờ thôi, xấu mặt mới lâu chớ xấu đầu mấy xí”. Tôi thấy thương cho mấy em trong tiệm, có lẽ biết tôi không vui lắm (hay đôi khi chính mấy em cũng cảm nhận như tôi rằng trông tệ hơn khi chưa uốn nhuộm?), các em đồng thanh xuýt xoa “đẹp ghê”, “trẻ ghê”, “trẻ hơn phải mười tuổi”,… Tôi cũng phụ họa theo bông đùa: “Nì, tui thấy tiệm ni cả thầy lẫn trò ai cũng trẻ, đẹp trai, vui tính, làm thì tận tình cẩn thận, chắc mấy em trẻ đẹp kết tiệm ni lắm”, “Có mô Dì ơi, toàn người lớn tuổi như Dì vô hết, mong mấy em trẻ đẹp hơn chi mà mãi không thấy buồn ơi là buồn”, “Xạo, hồi chiều tui thấy toàn mấy em trẻ đẹp”, “Dì ơi, của hiếm lâu lâu mới kéo tới một lần đó, tụi con buồn hơn chi, Dì có con cháu trẻ đẹp không giới thiệu tới cho tụi con làm với”.

     Về nhà hai đứa con mới thấy tôi đã thốt lên: “Trời, sốc nặng, mẹ uốn chi rứa, còn nhuộm nữa, mẹ bữa ni khác quá, để như cũ đẹp hơn”. Con gái thì bảo: “Răng mẹ không nói con đi theo để con góp ý, chưa khi mô mẹ nhuộm màu ni thành ra thấy lạ mà già, mẹ để như cũ đẹp hơn”. Tôi trấn an con gái: “Kệ mà con, xấu mặt mới lo chớ xấu đầu mấy xí, ngày mô mẹ cũng gội khoảng hai tháng về lại cũ chừ, mà mẹ nghĩ cũng nên thay đổi khác đi cho vui, không thích lắm thì vài tháng sau lại để cũ, tóc mờ con, thay đổi mấy hồi, có thay đổi mới biết mình hợp cái chi hơn”. Con trai thì cười: “Mới vô nhà con tưởng Dì Y. lên chơi, té ra là mẹ, sốc luôn”. Tôi hỏi con trai: “Theo con thấy mẹ có kỳ lắm không?”, “không kỳ, cũng được, có điều mẹ nhuộm màu đỏ quá”, “không kỳ là được rồi, tóc nhuộm mà con, mẹ gội riết từ đây tới tết tóc về cũ liền, miễn đừng choãi, đừng kỳ dị, con thấy được rứa là được, mẹ thích thay đổi”.

     Sáng hôm sau vừa bước vào khoa mọi người đã đồng thanh thốt lên: “Trời, có người mới, lạ quá, rửa đi”, tôi hỏi: “Thấy được không?”, “Được, đẹp mà trẻ”, “Thiệt không? Tại răng hai đứa con chị kêu sốc hè?”, “Có lẽ do hai đứa con chị chưa khi mô thấy chị thay đổi như ri nên kêu sốc chớ tụi em thấy chị đẹp hơn, trẻ hơn, sang hơn hẳn”.

     Vừa bước vào phòng giao ban viện mọi người đã đồng thanh: “Trời, Thanh bữa ni lạ quá”. Đồng nghiệp ngồi cạnh bên trái nói vào tai tôi: “Giống diễn viên Hàn Quốc”, đồng nghiệp ngồi cạnh bên phải thì hỏi: “Hai đứa con nói chi không?”, “Hai đứa nói sốc”, “V. cũng sốc”, “V. thấy để tóc kiểu ni có được không?”, “V. thích kiểu cũ hơn”.

     Ngày của cuối năm bệnh đến khám ít, có lẽ vì vậy mà tóc của tôi trở thành một trong những đề tài để chị em sốt nóng quan tâm, suốt buổi sáng tôi luôn phải trả lời “Làm ở Hiệp Thành”, “Giá…”,…

     Tin tôi có tóc mới lan đến quán cà-phê đối diện cổng cơ quan, nơi chủ quán là cô bạn thân từ thời học lớp sáu. Điện thoại tôi rung lên: “Thanh, qua uống cà-phê, tau nghe noái mi mới uốn tóc, qua đây ta koai”. Vừa bước vào quán con bạn đã trầm trồ: “Thanh ơi, đẹp lắm, thấy mi vừa đẹp vừa trẻ vừa sang, để như cũ cũng đẹp mà quê lắm, đời tụi mình còn mấy xí, con lớn rồi, vô đại học hết rồi, mi phải thay đổi, phải đẹp lên, chừ là lúc mình phải sống cho mình,…,…”. Tôi vừa cười vừa gật gật đầu theo từng câu nói của bạn, trong lòng chỉ muốn khóc vì cảm giác ấm áp hạnh phúc khi bên mình có những người bạn luôn mong muốn điều tốt cho mình. Tôi nói với bạn: “Răng hai đứa con tau kêu sốc hè!”, “Có lẽ vì hai đứa chưa khi mô thấy mi thay đổi, Thanh ơi đẹp lắm, đưa điện thoại đây tau chụp vài cái cho mi koai”. Tôi nhìn hình mình trong điện thoại, cũng được đó chớ.

     Rời quán cà-phê tôi gọi điện cho chị bạn, người mà tôi rất yêu mến và tin tưởng: “Chị, em có đầu mới”, “Rứa hở, nhớ đừng có uốn quăn nghe”, “Em uốn rồi, không quăn lắm chỉ lượn sóng, nhuộm nữa, tí em đưa hình lên phây chị koai hí”, “Ừ, ê nì, tối ni mình đi ăn nem Hạnh nghe”, “Đúng rồi, nem Hạnh, em trình diện đầu mới luôn”.

     Sau bao ngày mưa lạnh dầm dề hôm nay trời khô ráo nắng đẹp, có lẽ vì vậy mà nem Hạnh tối nay đông nghịt. Vừa thấy tôi chị bạn đã nói: “Đẹp lắm em”, cô em ghế đối diện thì đưa ngón tay cái lên: "Không xấu hơn", tôi cũng đùa: "Cám ơn hí", cô em ngồi đầu bàn thì nhìn tôi nghiêm trang: “Cô Thanh, tối ni cô là người đẹp nhất”, tôi cũng nghiêm trang không kém: “Cô cám ơn Thư nghe”, rồi chúng tôi cùng cười và tất thảy dồn tâm trí vào dĩa nem nướng nóng hổi đang bốc mùi thơm phức. Trong lòng tôi thầm nhủ “Còn hai bà chị, hai đứa em, hai mợ dâu nữa, không biết sẽ được nghe khen hay chê đây?”.

     Tôi yêu và cám ơn rất nhiều những người quanh tôi, những người luôn mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. Riêng tôi, tôi biết mình có ba cái: đôi mắt, giọng nói, nụ cười, những cái khác đều chốc đến chốc đi, kể cả tôi đang hiện diện trên thế gian này.

Tôi mơ màng nghĩ đến cái thời khắc….tôi….đi…….

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

MỘT NGÀY KHÔNG XA...




     Rời mái trường Quốc Học thân yêu chúng tôi tản mác mỗi đứa mỗi nơi, quá nửa cuộc đời mới bắt đầu biết thông tin của nhau qua cửa sổ FB. Lần này PT từ một nơi xa rất xa trở về thăm quê, chúng tôi hẹn gặp nhau ở 1 quán cà phê thoáng mát trong nội thành Huế. Tôi, Phượng ở Lào vừa về, cả hai lững thững tìm vị trí ngồi thì PT từ phía sau “Phượng, Thanh”.


     Lâu thật là lâu, từng ngồi cùng trong một lớp trên bốn năm, đây là lần đầu tiên chúng tôi đối mặt chuyện trò. Trông PT mập hơn, phong độ hơn, khuôn mặt vẫn giữ nét bầu bĩnh trẻ con, chỉ có mái tóc không dấu nỗi bụi thời gian. Lạ thật, bên nhau tất cả chúng tôi vẫn cứ như xưa, không hề cảm nhận được sự lớn lên, sự già đi của mình, vẫn cứ “mi, tau, thằng nớ, con tê,…”. Lòng tôi chộn rộn một niềm vui khó nói nên lời. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh PT ngày nào…



     Ngày mới đến học ở Tiểu Chủng Viện, cơ sở này hình như vừa bàn giao cho nhà nước và chúng tôi là những học sinh đầu tiên được chuyển đến, trong tất cả các phòng học, thư viện, tiền sảnh, hậu sảnh,… ở đâu trên cao cũng có câu khẩu hiệu rất lớn “KHOA HỌC LÀ CỦA CHÚA”. Giờ ra chơi tôi đứng trên ban công tầng ba nhìn xuống, PT áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây xanh xăn trên gối, tay cầm cái rá nhỏ lội bì bõm trong bể cá lớn cùng hai bạn khác say sưa đuổi bắt những chú cá. Có lẽ do khoảng cách khá xa nên trông PT như đứa trẻ lên chin lên mười đầy nghịch ngơm, khác xa với hình ảnh thường ngày trong lớp, lúc nào cũng điềm đạm ít nói và học rất giỏi. Tôi thích thú dõi theo để chờ xem bạn bắt được những gì…

     Hơn ba mươi năm trôi qua, hồi đó chúng tôi chịu sự chi phối của quy luật đào thải dã  man do các nhà giáo dục đặt ra, một thứ quy luật đầy nghiệt ngã cho những đứa học trò ngây thơ ngơ ngáo vô tư như chúng tôi: cấp hai hằng năm phải thi lại hết cùng với tất cả các trường trong tỉnh để tuyển lại, cấp ba mỗi năm loại ra năm đứa. Sau này khi có dịp cùng chuyện trò với một trong những thầy giáo từng chủ nhiệm khối chuyên, thầy đã tâm sự cùng chúng tôi rằng mỗi năm có một dịp thầy khổ sở nhất đó là đưa ra quyết định năm cái tên nào sẽ phải ra đi. Dẫu ai đi ai ở, với chúng tôi những ai đã từng học cùng nhau mãi mãi là bạn của cùng một lớp, lớp chuyên toán.



     Như đàn chim vỡ tổ bay đi khắp nơi trên quả cầu xanh, đây là dịp chúng tôi thăm hỏi tình hình của nhau, ai buồn ai vui, ai thành công ít ai thành công nhiều khó có bàn cân nào để đánh giá. Duy nhất có một điều. Trong đầu chúng tôi lúc này đây ai cũng nghĩ về một ngày,,,, một ngày không xa, một ngày chúng tôi quy tụ, tạm thời gác công việc qua bên, dành trọn một ngày cho nhau,…

     Tất cả chúng tôi đều nghĩ về ngày đó, một ngày không xa...
     

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

ÂU LÀ PHẦN SỐ (1)

                                                                                                                                 Truyện ngắn



     Thảo không sinh không sống ở quê, nhưng không hiểu sao trong đầu Thảo luôn hiển hiện cuộc sống vùng quê.

     Hồi nhỏ ký ức của Thảo là bãi cát trắng rộng lớn trải dài, băng qua bãi cát là rì rào sóng biển. Thảo tung tăng chạy nhảy đón sóng, rồi hoảng sợ khi nước ùa trở ra biển kéo theo cát làm chân Thảo sụt xuống,…Trong đầu Thảo miên man tưởng tượng đến hình ảnh Thảo đang dạo bộ chuyện trò cùng ai đó bên bờ cát trắng, sóng vỗ rì rào, gió biển rười rượi,…Bãi biển chỉ có hai người, thật là yên tĩnh, thanh bình, và ấm áp.

mokara


     Lớn lên chút nữa, cạnh nhà Thảo có anh hàng xóm. Hằng ngày anh í cứ muốn nghe Thảo đọc thơ “Em ở thành Sơn chạy giặc về, tôi từ chinh chiến cũng ra đi…Thoáng hiện em về trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ…Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…”. Đổi lại anh vô cùng nhiệt tình làm giúp Thảo đủ thứ việc lặt vặt, cho Thảo mượn nguyên cả tủ sách toán đem về nhà tha hồ học, rồi lúc nào cũng muốn giảng bài mỗi khi Thảo thắc mắc không biết hỏi ai. Suốt thời gian dài người mà Thảo tưởng tượng luôn là hình ảnh anh í.

đơn cam


     Ủy ban bắt dân lên núi trồng sắn, Thảo tưởng tượng hình ảnh anh đang cuốc từng luống đất đã xanh màu lá sắn, mồ hôi nhễ nhại, Thảo xách lồng cơm và ấm nước chè ra chỗ anh làm, rót nước cho anh uống, soạn cơm cả hai cùng ăn. Giữa cánh đồng sắn chỉ có hai người…, Ôi ! Thật là thơ…


hoàng thảo mắt mèo


     Trên đường về quê, ngang cánh đồng lúa vàng trĩu nặng thoang thoảng hương thơm của lúa và rơm rạ, Thảo hít một hơi dài, gió mơn man mát rượi, trong đầu Thảo lại hiện ra hình ảnh Thảo và anh í đang thoăn thoắt gặt lúa, rồi cả hai cùng nghỉ tay, rót cho nhau từng chén nước chè, nhìn nhau tràn đầy yêu thương quên bẵng đi mệt nhọc.




     Ngày anh chia tay Thảo để theo đoàn của Phường vào Nam giúp dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, trong đầu Thảo hiện ra hình ảnh anh đang chặt cây làm nhà đơn sơ trên núi, phụ giúp anh lợp nhà là một chị có nét đẹp đằm thắm, anh và chị ấy thỉnh thoảng lại nhìn nhau tươi cười quên đi vất vả, Thảo thầm cầu mong đoạn đường sắp tới của anh sẽ luôn là niềm vui và hạnh phúc, thế nhưng… hình như  trái tim Thảo đang có cái gì đâm vào đau nhói.


dã hạc


     Hơn mười năm không một lá thư không một lời nhắn gởi, Thảo luôn tin anh sẽ về dù chỉ một lần, để nhìn thấy Thảo đang trưởng thành, đang lớn,…

     Anh về quá muộn! hay Thảo không đủ niềm tin để chờ đợi?

     Âu cũng là phần số.



thanhtran2014

Ghi chú:
     1. Củ sắn: miền Nam còn gọi củ mì
     2. Hình ảnh không có tính minh họa
     3. Lan quá đa dạng mình ghi chú tên nhưng ko chắc lắm, ai thấy mình sai xin nhắc cho để mình sửa lại cho đúng nhé. Cám ơn nhiều.


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

NGƯỜI THỔI HỒN CHO ĐÁ

   
                                                                                                                  Truyện ngắn cực ngắn




     Nhà anh ở gần nhà tôi. Từ nhỏ tôi loáng thoáng nghe mọi người nói anh tham gia phong trào học sinh sinh viên biểu tình đấu tranh cho cộng sản. Có lần mẹ anh đi thăm anh về ghé chuyện trò to nhỏ với mẹ tôi "sắp bị đưa ra Côn Đảo rồi vì không chịu chào lá cờ ba sọc đỏ". Sau bảy lăm tôi mới thật sự đầu tiên nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt. Một thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp trai mang dáng vẻ trí thức.

     Hồi đó không biết anh làm gì, tôi chỉ luôn thấy anh trang phục chỉnh tề, bên hông mang túi xách, anh đứng trên lề đường nói liên tục, mọi người vòng trong vòng ngoài chen chúc đứng nghe, tôi cũng chen vô say sưa nghe anh diễn thuyết "rồi đây xã hội chúng ta sẽ không có kẻ giàu người nghèo, cách mạng luôn quan tâm đến những người cực khổ và không để cho ai phải bị thiệt thòi hoài". Anh mở túi xách lấy ra một bì trong đó là những viên đường vuông vuông màu trắng "ví dụ những người dân tộc sống trên núi lâu ni họ khổ cực nhiều, nhà nước sẽ ưu tiên đưa loại đường trắng ni lên cho người dân tộc dùng, còn người kinh ở thành phố như mình đây lâu ni sung sướng hơn người dân tộc, ở toàn nhà xây, làm việc trong im trong mát, thành ra nhà nước sẽ phân phối loại đường đen cho dân thành phố dùng". Tôi hồi đó đang học lớp ba, đầu óc như tờ giấy trắng, nghe nói tới hai chữ "công bằng" là tâm trí cứ ngẫm nghĩ "đúng rồi, phải công bằng, đừng để cho ai phải bị thiệt thòi mà tội".

     Sự đời lý thuyết luôn phủ màu xanh màu hồng, có vậy mới rủ rỉ được nhiều người theo. Nhưng thực hiện lý thuyết là những người phàm mắt tục với đầy đủ thất tình (hỉ nộ ái ố...), tham sân si,...thành ra ai mà lý tưởng lắm chắc có lẽ sẽ vỡ mộng nhiều.

     Đám tang bà ngoại có anh chúng tôi nhẹ nhõm hẳn. anh khoe đã xuất bản truyện....thơ...chúng tôi bên ngoài thì chúc mừng anh nhưng trong lòng đứa nào cũng lo lắng, bởi anh dồi dào năng lượng quá, lý tưởng và trực tính quá, làm sao tồn tại nổi trong thế giới của lợi ích nhóm.



     Có lần về thăm mẹ tôi anh hồ hởi nói với tôi "vừa rồi anh đi rừng cả tháng may mắn gặp được bãi đá đẹp ơi là đẹp, ước chi anh đem cả hết về, khi mô em vô coi nhiều lắm", rồi anh lấy trong ba lô tặng tôi hai viên nhỏ nhỏ, tôi thấy cũng thường không có chi gọi là đặc biệt. Anh nói "hai viên ni có nhiều cách xếp, em cứ xếp đi rồi anh đoán về em cho", tôi ngạc nhiên "bữa ni làm thầy bói à?", anh cười "anh nghiên cứu tử vi, vận lại số mình anh thấy rất đúng thành ra anh rất tin", rồi anh tặng tôi cuốn "lịch vạn niên" và khuyên tôi cũng nên nghiên cứu.



     Vào thăm mẹ anh nhân tiện ghé nơi sản xuất đá của anh. Ngoài sân là đống đá xù xì xấu xí viên nào cũng lớn rất lớn, có viên to hơn cả cái tô cái dĩa. Hai tủ kính hai bên phòng khách chưng toàn đá, những viên đá với đủ màu sắc lộng lẫy, mỗi viên được kê trên một cái bệ gỗ. Góc nhà cạnh cửa ra vào là cái bàn nhỏ với đủ thứ dụng cụ lổn nhổn: đục, búa, giấy nhám,...và vài viên đá đang đục dở dang. Ban đầu tôi cứ tưởng anh gọt viên đá theo hình dạng anh thích rồi phủ màu, đánh bóng lên. Nhưng hóa ra không phải, anh phân trần "đây là màu và vân tự nhiên của viên đá, anh chỉ khở lớp vỏ khô khan bên ngoài để lộ cái đẹp tự nhiên sẵn có bên trong viên đá mà thôi, cái hay ở chỗ là anh không biết vân của viên đá nó chạy như thế nào thành ra cứ kích thích kích thích anh đục đục...".



     Nghe anh say sưa giảng giải về đá, tôi đưa mắt nhìn đống đá xù xì vô tri vô giác ngoài sân, rồi lại nhìn những viên đá đẹp lung linh mỗi viên có một cái tên đang chưng trong tủ kính, khác nhau một trời một vực. Tâm trí tôi bỗng hiện về hình ảnh anh ngày xa xưa, những ngày đầu sau khi thống nhất đất nước, anh cũng say sưa nói về cái hay cái đẹp của cách mạng, về cái công bằng của chủ nghĩa xã hội, về cái viễn tưởng "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu" của chủ nghĩa cộng sản. Tôi mong anh cứ hãy thổi hồn cho đá, còn con người? vô tư và bàng quan với chính trị như tôi thì được, nhưng với những con người vừa làm chính trị vừa làm kinh tế thì biết đâu mà lần!

     Tôi mừng cho Anh - Người thổi hồn cho Đá.

   

(ThanhTran 29.5.14)


 Những viên đá nằm lăn lóc vô tri vô giác



Vài động tác đơn giản đục chùi ngắm nghía...



Chúng trở thành những tác phẩm có hồn thật sự